“ĐẠI GIA” VÀ “NGÔI SAO”
HAY MỐI QUAN HỆ TRỌC PHÚ – KỸ NỮ?
Trong vụ việc hai đường dây mại dâm
ngàn đô đang gây xôn xao truyền thông, nên chăng cần đặt câu hỏi về tính dễ dãi
của công luận khi “phong tặng danh hiệu” – dù đó đôi khi chỉ là danh hiệu truyền
miệng?
Câu chuyện về các Hoa khôi, người mẫu
bán dâm vẫn tiếp tục được viết thêm nhiều kỳ khi mỗi ngày người ta lại khám phá
ra những tình tiết mới. Hôm nay thì lộ diện Đại gia mua dâm, ngày mai lại phát
hiện những vòi bạch tuộc vươn ra ngoài nước.... Và câu chuyện sẽ không có hồi kết
nếu như không bắt đầu từ nguyên nhân của những hiện tượng phi chuẩn mực trên
Một cô bé có đời sống nhọc nhằn, tuổi
thơ gắn liền với hè đường cùng những tờ vé số.
Nhờ ngoại hình trời phú cùng khả năng học thuộc lòng đáp án một cuộc thi
bỗng biến thành một Hoa khôi được nhiều người ao ước, ngưỡng mộ. Một chân dài
khác trình độ học vấn chỉ tới lớp 9 trường làng,...
Họ là 2 nhân vật đình đám thời gian gần
đây với tội danh “Tổ chức hành nghề, môi giới mại dâm”.
Họ cũng là 2 trong số trên 80% Người mẫu
đang hoạt động hiện nay mà cái sự “Học” chỉ dừng lại ở PTTH.
Không phải ngẫu nhiên mà từ lâu người
ta gắn cho những cô nàng xinh xắn trong giới Showbiz Việt cái nhãn chẳng mấy
hay ho là “Đầu ngắn, chân dài”.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà những hành vi
phi đạo đức, thiếu văn hóa, vi phạm pháp luật lại tập trung chủ yếu vào tầng lớp
có học thức không cao.
HỌC VẤN CHƯA XUÔI, NHÂN CÁCH KHÓ LỌT
Để hình thành một nhân cách đáp ứng kỳ
vọng xã hội, cá nhân phải trải qua quá trình Xã hội hóa công phu và có chọn lọc.
Trong đó, Giáo dục là một thành tố quan trọng giúp cá nhân thẩm thấu tri thức
cùng những giá trị mà cộng đồng tôn trọng, cổ súy. Do vậy, trình độ học vấn của
ai đó càng thấp thì nguy cơ lệch lạc của họ càng cao.
Tại Việt Nam, con đường đến với nghề
người mẫu, diễn viên hay ca sĩ chẳng gian lao cho lắm. Chỉ cần một thân hình
chuẩn, chất giọng khá, được ông bầu nào đấy phát hiện là cơ bản có thể dạo bước
trên sàn Catwalk, tung tăng múa may tại các chương trình truyền hình giải trí
và trở thành “Người của công chúng”. Khán giả yêu cái đẹp trong từng bước chân
của họ chứ không mấy quan tâm tới vốn liếng văn hóa của “ngôi sao” ấy.
Nghĩa là một cách không chính thức, sự
dễ dãi của công chúng đã khiến cho đa số chân dài coi việc làm “Sao” đơn giản
như trò chơi gấp giấy.
Các cuộc thi sắc đẹp tổ chức sơ sài,
các quá trình tuyển dụng người mẫu, ca sĩ, diễn viên,... dễ dãi (xem nhẹ trình
độ học vấn, xem nhẹ vốn văn hóa,...) đã cẩu thả khoác lên mình những con vịt
xiêm đen đúa bộ cánh lộng lẫy của thiên nga. Đó chính là những nhân tố đầu tiên
vô tư đặt mìn hẹn giờ vào trái tim người hâm mộ.
Quay lại vấn đề Xã hội hóa cá nhân,
trong đường dây của má mì M.X có cả người đẹp chưa tốt nghiệp cấp 2, bản thân
cô Hoa khôi xứ Miền Tây cũng là người vào đời sớm khi mới chỉ lơ ngơ biết tới
giá trị của đồng tiền. Chính vì thế, cô đã ngây thơ biến mùi vị lạnh lùng của
những tờ bạc ấy trờ thành cái khát vọng mãnh liệt nhất cao cấp nhất, vượt trên
các chuẩn mực về phong tục, tập quán, nhân phẩm,...
Tại Hà Nội, người mẫu H.H cùng đám em
ún cũng thế, dù họ ở hai vùng địa lý khác nhau, các chiêu trò thủ đoạn, vị thế
xã hội có thể khác nhau nhưng đều có chung cái tầm nhận thức chưa tới.
Họ vừa là thủ phạm gây nên cơn địa chấn dư luận,
lại vừa là nạn nhân của cách đánh giá dễ dãi trong công chúng.
(Những giám khảo dễ dãi?)
KHI TIỀN VÀ THÓI HIẾU DANH
PHẢN ÁNH QUY LUẬT “CUNG – CẦU”
Văn hóa Việt Nam có một câu vè mai mỉa
nhưng nay lại là “chân lý” đối với một bộ phận “Giàu nhưng không Sang”. Số này
luôn coi “Tiền là tiên là phật”.
Văn hóa Việt Nam cũng đẻ ra một vài đứa
con không hoàn chỉnh, mà điển hình trong số đó là thói hiếu danh.
Khi xưa,
cụ Nguyễn Công Trứ trăn trở, đau đáu để “Làm trai sống ở trong trời đất
- Phải có danh gì với núi sông” thể hiện tráng khí lẫm liệt của một bậc quân tử
trước thời cuộc thì nay những kẻ tiểu nhân học đòi thói trưởng giả định nghĩa
chữ “danh” có lẽ chỉ gói gọn trong oai phong ngớ ngẩn: Lên giường cùng người nổi
tiếng.
Những kẻ có nhân cách khiếm khuyết
này vì tôn thờ giá trị của đồng tiền nên có lẽ nghĩ rằng ai ai cũng thế. Và hợp
thay, chúng ghép hoàn hảo với những nhân cách chưa hoàn chỉnh mà người viết đề
cập trước đó: Những “Chân dài đầu ngắn”. Đúng là “Nồi nào úp vung nấy!”
Xã hội hay dùng khái niệm “Đại gia” để
chỉ những người giàu có. Không phân biệt, không cần biết họ đi lên bằng cách nào? Chân chính hay hắc
ám? Làm thương gia hay quan chức? Phẩm
chất, lối sống ra làm sao? Bởi thế, những kẻ hiếu danh lại khuyết tật về nhân
cách khi đã được liệt vào hàng “Đại gia” thì lại càng muốn danh tiếng nổi như cồn
bằng bất cứ thủ đoạn nào.
“Qua đêm với ngôi sao” là một trong những thủ
đoạn đó.
Để được “xả xui” sau mỗi vụ làm ăn thất
bát, để được hả hê khoe “chiến tích đàn ông” trong một bàn tiệc sóng sánh rượu
ngoại, để được vỗ vai lên mặt dạy đời anh bạn trẻ lún phún ria mép “Lên giường
với con nhỏ trên Tivi kia chưa? Chưa hả? Chú em kém lắm!...”, để được thỏa mãn
cái oai phong “Đã là đại gia thì thích gì được nấy”..v...v.... Rất nhiều lý do
để gắn lên ve áo các ông vài danh hiệu “Chơi với người nổi tiếng”
Số tiền để ném vào cái sự “thích gì
được nấy” ấy lên tới hàng ngàn đô Mỹ, đôi khi bằng cả tài sản của đời ông, đời
bố đại gia tích cóp khi xưa. Nhưng có hề gì vì trên miệng những trọc phú thời
nay luôn thường trực chuỗi từ “Vui là được”, “Tiền để làm gì?”, “Đời còn đáng mấy”,....
Đã có nhu cầu mua danh cùng gái đẹp tất
có nguồn “cung” gái đẹp để phục vụ danh. Một bên cần tiền nhiều, một bên cần thỏa
mãn sự chơi ngông. Dẫu rằng trong cuộc mây mưa cả hai đều ngấm ngầm dành tặng
nhau sự khinh bỉ, miệt thị nhưng cuộc cộng sinh này đều thấy cái lợi từ nhau
nên kẻ trong cuộc chắc chắn không một mảy may cắn rứt.
Chỉ xã hội là trả giá. Trả giá cho
chính sự nông nổi, bồng bột của mình khi đưa ra những tiêu chuẩn hết sức sơ sài
cho khái niệm “Đại gia”, “Người của công chúng”.
Trần Anh Tuấn